Nhân sinh quan Giáo_lý_Cao_Đài

Nêu lên quan điểm về nhân sinh ở giữa nguồn gốc và cùng đích con người là nhân sinh quan Cao Đài gồm có:

  • Quan niệm về công dụng cõi đời.
  • Quan niệm về nghĩa vụ làm người.
  • Quan niệm về lý tưởng cuộc sống loài người.

Quan niệm về công dụng cõi đời

Đức Chí Tôn dạy: "Vẫn biết thế gian là bể khổ sông mê, nhưng chính thế gian là một chốn học đường của muôn loài vạn vật. Nhờ học đường ấy mà muôn loài vạn vật mới mở mang tiến hóa, sáng suốt tinh thần để tấn bộ trên nấc thang cao thượng". (ĐTCG, sđd, tr.154)

Quan niệm về nghĩa vụ làm người

Đức Chí Tôn dạy: "Làm người cần phải học hỏi, có học hỏi mới thông đạt, minh mẫn, mới biết lẽ dữ điều lành, mới tường đường quấy sự phải, mà tránh cho khỏi tội tình. Chớ nếu không học hỏi thì điểm Tiểu Linh Quang phải trở nên mê muội mà người cam dốt nát ngu hèn". (ĐTCG, sđd, tr.154)

Làm người phải xả thân giúp đời như Kinh Đại Thừa Chân Giáo có viết:

"Người xả thân mưu cầu lợi chúng,Làm ích chung quốc chúng an hòa..."Gieo tư tưởng cộng hòa đoàn thể,Chỉ phương tu đọat hóa thánh tiên" (ĐTCG, sđd, tr.154)

Đó là những nghĩa vụ nhằm:

  1. Ích nước lợi dân.
  2. Hoàn thiện con người.
  3. Gieo tư tưởng thương yêu hòa hợp đại đồng trong cuộc sống thế giới hiện tại.
  4. Dẫn đường tu giải thoát cho tâm linh tiến hóa.

Quan niệm về lý tưởng của cuộc sống con người

Cao Đài Giáo nêu một xã hội loài người lý tưởng là xã hội "thánh đức" bao gồm đời sống an lạc, xây dựng trên tinh thần nhân bản và có hiệu năng tiến bộ.

Đức Chí Tôn có dạy: "Ngày nào các con còn trông thấy một điều bất bình ở đời thì Đạo chưa thành vậy". (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, Tòa Thánh Tây Ninh, 1973, tr.105)

Như thế bằng chứng thực tiễn và trước tiên về thành quả của Đạo, chính là sự an lạc của cõi đời. Cao Đài phải là một tôn giáo vị nhân sinh. Đức Chí Tôn dạy: "Các con biết Thầy là trọng thì biết trọng đạo, mà hễ trọng đạo thì cũng phải trọng cả chúng sanh". (TNHT, Tây Ninh, sđd, tr.94)

Và thánh giáo Cao Đài còn viết:"...Tôn giáo và chúng sanh là Một. Chúng sanh được hoàn thiện thì tôn giáo mới phát khởi nguồn Ðạo, nhược bằng chúng sanh sai lạc thì tôn giáo chịu suy đồi".(Thánh Huấn Hiệp Tuyển, Tòa Thánh Châu Minh, Q1,1963,tr.116)Tính chất thực tiễn của nhân sinh quan Cao Ðài còn thấy rõ qua Thánh giáo sau đây:

"Giáo lý Cao Ðài không đi xa thực tế với đời sống con người thực tại. Sự mở Ðạo của Thượng Ðế là muốn cho tất cả nhơn sanh, dầu trong thời kỳ trả quả cũ, không gây nghiệp mới, mọi chỗ đều hướng thiện, ăn ở đối xử nhau cho phải tình phải nghĩa, phải đức phải nhân để trong cõi đời này có một xã hội đại đồng đạo đức.""Ðó là mục đích Thượng Ðế muốn cho loài người hiểu tận ý và hành tận sự, chớ giáo lý Cao Ðài không nhất thiết chỉ bảo người đời đi tìm hạnh phúc trong cõi hư vô vĩnh cửu, chốn niết bàn cực lạc trong khi thân sanh còn nghèo đói bệnh tật, dốt nát, kỳ thị, rẽ chia, người bóc lột người trong cảnh mạnh được yếu thua, bất công xã hội. Nếu phần thân sanh hiện hữu như thế, chắc gì phần tâm linh được mẫn tuệ siêu thoát đâu".(Vĩnh Nguyên Tự,03.01.Giáp Dần-25.01.1974)

Tóm lại, Cao Ðài quan niệm Ðạo lập ra là để cứu rỗi nhơn sinh, nghĩa là Thượng Ðế mở ra con đường cho nhân loại trở về với Thượng Ðế. Nhưng con đường ấy được mở đầu ở ngay tự thân con người và kết quả sẽ nhận được ngay trong cõi đời. Bởi vì:"Người sanh ra bởi Ðạo, thì Ðạo tức là người, thì người phải làm sáng cái Ðạo, tức là người phải ra NGƯỜI để tự cứu cánh và ảnh hưởng đến vạn vật".(TGST, Cơ quan Phổ Thông Giáo Lý,1972-1973,tr.38)

Như thế, nhân sinh quan Cao Ðài nhất trí với vũ trụ quan Cao Ðài ở điểm nhân bản. Nhân bản là bản chất chơn ngã của con người. Nhân bản là tình cảm thiêng liêng mà Thượng Ðế Chí Tôn đã dành cho mỗi con ngườithể hiện ra bằng nhân tính hay là tình thương.

"Hiểu biết, hành động, phục vụ, phụng sự, mà không nằm trong Nhân bản sẽ đưa đến những hậu quả khốc liệt nhất cho xã hội. Nhân bản có sáng chói con người mới cảm thấy mình là con người. Dầu ở bất cứ lãnh vực hay hoàn cảnh quốc thổ nào đời sống tâm linh cũng phải tựa vào Nhân bản. Có như vậy, đạo lý tôn giáo mới không rơi vào chỗ mông lung huyễn ngã". (TGST,CQPTGL,sđd,tr.24)